Khoa học và xã hội

Tra trong mục

Năm 1858, Pháp nổ súng tấn công cảng Đà Nẵng (Việt Nam), mở đầu cuộc chinh phục bằng sức mạnh quân sự. Đến năm 1907, chặng đường bành trướng thuộc địa ở Đông Dương của người Pháp chính thức kết thúc để chuyển sang thời kỳ cai trị và khai thác kinh tế.

Phụ thuộc vào tình hình ở chính quốc và quan điểm của những người đứng đầu xứ Đông Dương, chính sách cai trị vùng Viễn Đông của người Pháp thay đổi liên tục. Tuy nhiên, dù ở giai đoạn nào, nhà cầm quyền thực dân đều không thể phủ nhận những lợi ích của khoa học kỹ thuật mang lại trong chiến lược cai trị bởi “Tri thức là điều kiện của sức mạnh” (L. Finot). Vì vậy,  khoa học kỹ thuật phương Tây đã theo bước chân thực dân dần dần xâm nhập và làm biến chuyển đời sống xã hội Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX - nửa đầu thế kỷ XX.

1. Y tế và vệ sinh dịch tễ

Buổi đầu thời kỳ chinh phục, y học phương Tây được các giáo sĩ thừa sai và bác sĩ quân y mang tới Đông Dương, song chỉ tồn tại ở phạm vi cộng đồng hẹp, riêng biệt. Ngành y học truyền thống vẫn giữ vai trò chủ đạo. Đại bộ phận dân chúng người bản xứ sử dụng các bài thuốc chữa bệnh dân gian bằng những cây cỏ, thảo dược phổ biến bán ở các chợ hoặc bằng thang thuốc Bắc nhập cảng từ Trung Hoa. Dần dần, cùng với sự phát triển mạnh của cộng đồng ngoại kiều ở Đông Dương, vấn đề y tế và vệ sinh dịch tễ trở thành một nhu cầu bức thiết, là một trong những điều kiện tiên quyết để đảm bảo cuộc sống của người Âu ở xứ sở xa lạ, bởi đã có rất nhiều người chết vì bệnh dịch tại nơi đây. Do đó, chính quyền Pháp đã gấp rút đầu tư xây dựng các bệnh viện, đầu tiên là bệnh viện phục vụ quan chức, sĩ quan quân đội rồi mở dần sang các bệnh viện dân sự. Tuy nhiên, số lượng bác sĩ, y tá người Âu phục vụ tại Đông Dương vô cùng ít ỏi, không đáp ứng đủ nhu cầu của khối dân cư đang ngày một đông đúc. Vì vậy, năm 1902, toàn quyền Paul Doumer quyết định mở trường Đại học Y ở Hà Nội. Trường có nhiệm vụ đào tạo các thầy thuốc người châu Á để cùng với các thầy thuốc người Pháp đảm nhiệm công tác y tế ở Đông Dương. Trường cũng là một trung tâm nghiên cứu khoa học về căn nguyên và phương thức điều trị các bệnh của người Âu và người bản xứ ở Viễn Đông. Tại đây, những tri thức y học tiến bộ được trao truyền cho giới trí thức tân tiến bản địa. Đây là một con đường hợp tác hòa bình, tự nguyện đưa khoa học y tế phương Tây thâm nhập vào đời sống xã hội Đông Dương.
Ngoài ra, để chống chọi lại bệnh dịch nhiệt đới, bệnh do động vật, vi trùng gây nên, chính quyền Pháp đã cho thiết lập hệ thống các viện Pasteur ở Sài Gòn (1891), Nha Trang (1895), Hà Nội (1926), có liên kết chặt chẽ với Viện Pasteur ở chính quốc. Mục đích của các Viện Pasteur này là nghiên cứu bệnh dịch, kiểm định thực phẩm, kiểm định nguồn nước, nghiên cứu các loại vi khuẩn vi trùng, thử nghiệm sản xuất vắc - xin phòng bệnh lây nhiễm, hỗ trợ đào tạo ngành vi trùng và dịch tễ cho toàn xứ Đông Dương. Hoạt động của viện Pasteur ở Đông Dương đã đạt được những thành công đáng kể trong cuộc chiến chống lại bệnh sốt rét, bệnh đậu mùa, dịch tả và các bệnh dại... Tỷ lệ tử vong đã giảm xuống song vẫn còn là một tỷ lệ cao so với các nước trong khu vực. Viện Pasteur đã góp phần du nhập vào Đông Dương một ngành khoa học mới - ngành Dịch tễ học. Quan trọng hơn, Viện Pasteur đã từng bước đưa tư duy phòng bệnh theo phương pháp khoa học vào nhận thức của tầng lớp nhân dân, song đại bộ phận tiếp nhận là giới trí thức tân tiến ở đô thị. Nền y học phương Tây được “cấy ghép” vào xã hội Đông Dương, song hành tồn tại cùng với nền y học phương Đông cổ truyền.

2. Khoa học kỹ thuật nông nghiệp

Với mục tiêu khai thác triệt để ngành kinh tế nông nghiệp, nhằm cung cấp nguyên liệu cho chính quốc, thực dân Pháp đã tiến hành nhiều biện pháp khoa học hóa nông nghiệp.
Năm 1897, Toàn quyền Đông Dương đã cho thành lập Nha Canh nông và Thương mại Đông Dương. Cơ quan này chịu trách nhiệm thúc đẩy, điều phối, thử nghiệm các kết quả nghiên cứu khoa học nông nghiệp. Cơ quan này được cung cấp vườn ươm để thực hiện các thí nghiệm phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu của từng khu vực. Kết quả quan trọng của những nghiên cứu này là tạo ra giống cây trồng mới, đưa vào thực tiễn nông nghiệp và mang lại hiệu suất cao, phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa.
Cao su là giống cây trồng được người Pháp phát hiện và du nhập vào Đông Dương. Sau khi trồng thực nghiệm trong vườn ươm ở Sài Gòn (1897), cây cao su chính thức được đưa vào trồng đại trà trên vùng cao nguyên đất đỏ, trở thành sản phẩm xuất khẩu giá trị của nhiều doanh nghiệp thuộc địa. Ngoài ra, thực dân Pháp du nhập vào Việt Nam những giống thuốc lá được ưa chuộng trên thị trường thế giới, giống cây bông Ấn Độ cho sản lượng cao, các loại mía của Inđônêxia, Ấn Độ, giống cam, quýt của Bắc Phi, Địa Trung Hải; giống khoai tây của Pháp và nhiều giống rau ôn đới như su hào, bắp cải, súp lơ, cà rốt, tỏi tây, hành tây v.v..
Bên cạnh đó, nhằm tăng tối đa hiệu quả kinh tế của những ngành nghề truyền thống, vấn đề nghiên cứu cải tạo giống và áp dụng những công nghệ chế biến tiên tiến trở thành một thách thức. Ngành trồng lúa gạo ở Đông Dương chiếm tới 95% diện tích trồng trọt là một lĩnh vực khai thác trọng yếu. Chiến lược của người Pháp không chỉ tận dụng khai thác lúa gạo cung cấp lương thực cho chính quốc mà còn biến nó trở thành sản phẩm xuất khẩu giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, trên thị trường lúa gạo thế giới, gạo Nam Kỳ vẫn thua kém gạo Ý, Thái Lan, Miến Điện. Nhằm cạnh tranh có hiệu quả với các nước, chính quyền  Pháp đã cho thành lập các cơ sở chọn giống ngay tại các tỉnh theo hướng chọn giống thuần chủng sau đó nhân giống tại các địa điểm thử nghiệm. Bên cạnh đó, người Pháp phổ biến những tri thức cải tạo đồng ruộng cho nông dân bản xứ: cải thiện đất, sử dụng phân bón hóa học, sử dụng máy móc nông nghiệp... Dần dần, Nam Kỳ trở thành nơi xuất khẩu gạo lớn nhất Đông Dương, xây dựng thương hiệu “gạo Sài Gòn” trên thị trường lúa gạo thế giới.
Lụa tơ tằm Đông Dương vốn đã có một sức hấp dẫn nhất định ở chính quốc. Vì vậy, Pháp đã tập trung nghiên cứu thúc đẩy ngành nghề này nhằm tăng hiệu quả kinh tế tối đa. Người Pháp đã triển khai đồng thời vừa thí nghiệm cải tạo các giống tằm bản địa, vừa nghiên cứu hoàn thiện quy trình ươm tơ và xe sợi dệt lụa của bản xứ. Kết quả là sự ra đời của các nhà tằm kiểu mẫu và các nhà máy dệt lụa, xưởng dệt khắp cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Những sản phẩm tơ lụa xuất khẩu đã dần chiếm lĩnh được thị trường rộng lớn như thị trường Đông Á.
Khoa học kỹ thuật đã làm xuất hiện nhiều yếu tố mới trong ngành nông nghiệp như kinh tế đồn điền, công nghiệp chế biến nông sản. Theo đó, các giai tầng xã hội có biến đổi đa dạng hóa và phân hóa sâu sắc.

3. Các công trình công cộng

Xuất phát từ mục tiêu đầu tiên là tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc khai thác tài nguyên thuộc địa, kết hợp với việc phục vụ nhu cầu đời sống tại chỗ cho cộng đồng người Âu, chính quyền Pháp đã đầu tư vốn (ngân hàng), khoa học kỹ thuật (các kỹ sư) để thiết kế, thi công, xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở gồm: đường giao thông, điện, nước, cầu, cống...
Đường xe lửa có thể coi là hệ thống giao thông hiện đại lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Chương trình xây dựng đường xe lửa được thiết lập vào năm 1898, với tham vọng thực hiện một hệ thống đường xe lửa xuyên Đông Dương song không thể thực hiện được bởi chi phí quá lớn. Tuyến xe lửa xây dựng sớm nhất là tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho (1881) dài 71km và Hà Nội - Đồng Đăng (1890) dài 163km.
Hệ thống đường bộ được chính phủ Pháp chủ trương kết hợp xây dựng mới với chỉnh trang, quy hoạch những con đường đã có. 21 tuyến đường thuộc địa được bảo trì và thiết lập bởi các kỹ sư Nha Công chính. Tuyến đường quan trọng được xây dựng trong thời kỳ này là tuyến đường thuộc địa số 1, con đường huyết mạch xuyên Việt nối Hà Nội với Sài Gòn.
Đường thủy có tầm quan trọng đặc biệt đối với Đông Dương. Không chỉ dừng lại ở vấn đề giao thông, đường thủy có ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường sinh sống của cộng đồng dân cư và ảnh hưởng tới ngành kinh tế quan trọng là nông nghiệp. Các công trình thủy nông được người Pháp thực hiện ở các khía cạnh: nạo vét sông và tháo nước ở Nam Kỳ; củng cố hệ thống đê điều bằng kỹ thuật mới (tăng cường mặt cắt của đê bằng cách mở rộng và đặt trong lòng đê một áo chống thấm bằng đất sét) và xây dựng tuyến đê mới ở Bắc Kỳ, dẫn thủy nhập điền ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Bên cạnh đó, chính quyền thực dân Pháp cho xây dựng các thương cảng ở Đông Dương nhằm phát triển ngành hàng hải. Hai thương cảng lớn được người Pháp đầu tư xây dựng là Sài Gòn (1860) và Hải Phòng (1874).
Một dấu ấn không phai mờ, một hình ảnh tiêu biểu cho “năng lực khoa học và sức mạnh công nghiệp” của chính quốc, đó là việc xây dựng cây cầu bắc qua sông Hồng: cầu Paul Doumer (1898-1902). Đây là một trong những cây cầu lớn của thế giới thời kỳ đó, là công trình mang tính khoa học, kỹ thuật và mỹ thuật cao.
Hệ thống các công trình công cộng được thiết lập ở Đông Dương là một biểu hiện rõ nét, trực quan nhất cho biến đổi đời sống xã hội bản địa khi có sự thâu nhập khoa học kỹ thuật Tây phương. Kết quả của hoạt động xây dựng này làm chuyển biến diện mạo của các đô thị truyền thống, hình thành các trung tâm đô thị mới, tạo đà khởi phát cho xã hội đô thị ở Đông Dương.

4. Khoa học cơ bản và khoa học thường thức

Khoa học cơ bản và khoa học thường thức là hai lĩnh vực không nổi trội, không có nhiều giá trị trong chiến lược khai thác nhưng có những ý nghĩa nhất định trong chiến lược cai trị. Bởi vậy, những nghiên cứu khoa học cơ bản được đầu tư chủ yếu là nghiên cứu về văn hóa, văn minh. Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (École française d'Extrême-Orient, viết tắt EFEO) mà tiền thân của nó là Đoàn khảo cổ Đông Dương ra đời trong bối cảnh đó và đạt được một số thành tựu mang tính chất khai phá, mà sau này các nhà khoa học Việt Nam đã phát huy hiệu quả trong nghiên cứu khoa học xã hội.
Khoa học thường thức được lồng ghép trong hoạt động giáo dục và xuất bản. Sự ra đời của những tạp chí khoa học là một kênh tuyên truyền đắc lực, phổ biến những tri thức khoa học mà người dân dễ dàng thực hiện trong đời sống thường nhật, chủ yếu cổ xúy một nếp ăn ở vệ sinh, văn minh, lành mạnh.
Tóm lại, khoa học kỹ thuật thuộc địa đóng vai trò là công cụ khai thác kinh tế, công cụ chinh phục, cai trị hòa bình, là hình ảnh biểu trưng sức mạnh văn minh chính quốc, song ở một khía cạnh nào đó, không thể phủ nhận, nó cũng là làn gió mát lành hiếm hoi, tia sáng nhỏ bé quý giá rọi chiếu vào xã hội bản địa Đông Dương và di sản của nó vẫn hiện tồn trong đời sống đương đại.

 

Đăng tải tháng 2 năm 2021

Réduire l'article ^

Tra cứu tài liệu

Xem chi tiết
 
  • Les Oiseaux de la Basse...
  • Contribution à l'étude...
  • Coléoptères érotylides et...
  • Les Oiseaux de l'Indochine...
  • Notions d'entomologie....
  • Caractères ethniques et...
 
 
Tra cứu tài liệu
Xem chi tiết
 
  • Annales des travaux publics...
  • Réponse à la communication...
  • Dragages de Cochinchine :...
  • Bắc Kỳ tư vấn nghị viện 1924
  • Dẫn Thuỷ nhập Điền H....
  • Situation générale des...
  • Aménagement des ports,...
  • Etude pour servir au chemin...
  • La Voie ferrée de Bassac à...
 
 
Tra cứu tài liệu
Xem chi tiết
 
  • Tổ chức công việc theo khoa...
  • Cảnh sát khoa học Huỳnh Kỳ...
  • Cách nuôi và chăm sóc hài...
  • Cách trí Vệ sinh: éléments...
  • Nông lâm : Hoá học kỹ nghệ ...
  • Giáo cơ ấn nghệ : Sách dạy...
  • Máy phát điện một chiều H....
  • Điện một chiều Hữu Thăng...
  • Những sự kỳ-quan trong vũ...
  • Nhật thực và nguyệt thực 1924
 
 
Tra cứu tài liệu
Xem chi tiết
 
  • Comptes-rendus des séances...
  • Contribution à l'étude des...
  • Contribution à la carte...
 
 
Tra cứu tài liệu