Tư tưởng
Trong khoảng gần 10 thế kỷ, trước khi có sự hiện diện và can thiệp của người Pháp, tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam được thể hiện quan hai dạng văn từ là chữ Hán và chữ Nôm. Hình thức công bố của các văn bản này, hoặc ở dạng viết tay, hoặc in khắc gỗ. Về thể thức viết, tư liệu về tư tưởng và tôn giáo (như Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo) thường được trình bày thành kinh hoặc kinh sách, hoặc bộc lộ qua các thi tập, văn tập, ký lục. Riêng tín ngưỡng, thông tin được bộ lộ qua ký lục, thi văn tập.
Nói cách khác, từ góc độ thư mục học, hệ thống tư liệu này có một số đặc điểm chính. Kinh và kinh điển được lưu truyền qua các bản in khắc, như kinh Phật (Phật giáo), sách được gắn với tên tuổi Khổng Tử, Mạnh Tử và Chư tử (Nho giáo), hoặc Lão Tử, Trang Tử (Đạo giáo). Một dạng thức tồn tại khác là diễn giải kinh hoặc kinh điển (dành cho tam giáo). Và cuối cùng là dấu ấn tư tưởng, hoặc việc thực hành tư tưởng, tín ngưỡng bộc lộ qua các ký lục, qua thi văn tập. Và chỉ ở dạng thức thứ ba này, mới có sự hiện diện của tín ngưỡng bản địa.
Sang thời kỳ thuộc địa, tư liệu về tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam có những điểm vừa tiếp tục vừa thay đổi, so với giai đoạn trước. Về hình thức, tư liệu được viết bằng 4 loại văn tự (Hán, Nôm, quốc ngữ, và Pháp). Khối tư liệu này được xuất bản theo 3 dạng: viết tay, in khắc gỗ, in hiện đại kiểu phương Tây. Và hình thức ấn phẩm là báo chí, và ấn phẩm độc lập.
Nhìn theo thời gian, tư liệu chữ quốc ngữ, in ấn hiện đại chiếm vị trí chủ yếu.
Có một điều cần chú ý, trong thực tiễn Việt Nam, các khái niệm “tư tưởng”, “tôn giáo”, “tín ngưỡng” không thật sự minh bạch, nhất là tư liệu về các hoạt động thực hành. Chẳng hạn: Nho giáo là tư tưởng nhưng cũng có lúc được sử dụng như một tôn giáo; tương tự Phật giáo vừa là tư tưởng vừa là tôn giáo. Và trong chừng mực nào đó, những tư tưởng và tôn giáo trên còn tham gia vào, hoặc trở thành một hợp phần của đời sống tín ngưỡng bản địa.
Xét về nội dung, tư liệu về tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng ở giai đoạn này bao gồm hai khu vực: Đông và Tây. Cụ thể là giới thiệu, diễn giải, tranh luận về tư tưởng, tín ngưỡng phương Đông (bao gồm cả tín ngưỡng bản địa), và dẫn nhập tư tưởng, tôn giáo phương Tây.
Dưới đây là tổng hợp cơ bản về từng khu vực tư liệu dưới thời Pháp thuộc:
- Nguồn tư liệu về Phật giáo gồm ba nguồn: tư liệu bằng chữ Hán Nôm, tư liệu bằng tiếng Pháp và tư liệu bằng chữ quốc ngữ. Các nguồn tư liệu này cho thấy xu hướng quốc ngữ hóa, phổ cập hóa kinh sách, đại chúng hóa giáo lý Phật giáo là bao trùm. Mặt khác, các tư liệu còn cung cấp thông tin về diễn giải, tiếp nhận kinh sách Phật giáo, về thực hành tín ngưỡng. Qua đó, ta thấy rõ sự cạnh tranh tư tưởng, tôn giáo, văn hóa (cũ và mới, Đông và Tây, dân tộc và thực dân).
- Trong khoảng thời gian từ những năm 1920 đến 1945, trên cả ba kỳ, với hình thức chữ quốc ngữ là chủ yếu, nhiều ấn phẩm (độc lập hoặc bài báo) về Nho giáo đã xuất hiện. Chia theo chủ đề, nguồn tư liệu đó bao gồm: diễn dịch kinh sách Nho giáo, luận khảo về Nho giáo, nghiên cứu và biên khảo về các nhân vật tiêu biểu của Nho giáo Trung Hoa (Khổng Tử, Mạnh Tử,..), đánh giá, tranh luận về tư tưởng Nho giáo.
- So với Phật giáo và Nho giáo, tầm ảnh hưởng của Đạo giáo ở Việt Nam là khiêm tốn. Tình trạng đó không thay đổi, kể cả khi lịch sử bước vào thời kỳ thuộc địa. Tư liệu về Đạo giáo được viết bằng 2 loại văn tự là quốc ngữ và chữ Pháp; trong đó chữ quốc ngữ là chủ yếu. Các văn bản Đạo giáo xuất hiện chủ yếu từ những năm 1920 đến 1945, tại Nam Kỳ và Bắc Kỳ (căn bản là tại Hà Nội). Về nội dung, các văn bản bản (dạng ấn phẩm là chủ yếu) bao gồm cả dịch thuật biên khảo, về Đạo giáo, dưới nhiều thể loại khác nhau: giới thiệu kinh điển; diễn giải và truyền bá kinh sách, tư tưởng. Ngoài ra, thời kỳ này cũng xuất hiện những ấn phẩm dưới dạng truyện kể, hoặc sáng tác văn chương về các nhân vật của Đạo giáo.
- Tư liệu về Thiên Chúa giáo tại Việt Nam ra đời từ thế kỷ XVIII-XIX, trong đó sách truyền giảng đạo bằng chữ Hán và Nôm có số lượng lớn. Còn từ nửa sau thế kỷ XIX, tư liệu về Thiên Chúa giáo được xuất bản dưới dạng ấn phẩm độc lập và bài viết trên báo chí (tập trung ở báo Vì Chúa). Tư liệu về tôn giáo này trình bày các vấn đề sau: truyền bá kinh sách, lịch sử Thiên Chúa giáo, thuật kể các hoạt động thực hành tín ngưỡng hoặc hoạt động của các giáo hội địa phương, trình bày các quan điểm (ủng hộ, chống đối) Thiên Chúa giáo.
- Đạo Cao Đài là hình thức tôn giáo bản địa và hoàn toàn mới mẻ tại Việt Nam. Ra đời trên cơ sở tổ hợp các tư tưởng, tín ngưỡng (chủ yếu là Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo), nhằm thể hiện tinh thần canh tân và dân tộc, đạo Cao đài có lượng tư liệu khá lớn. Tư liệu này được viết bằng 2 dạng văn tự, là quốc ngữ, và chữ Pháp, trong đó chữ quốc ngữ là chủ yếu. Toàn bộ tư liệu về đạo Cao Đài có thể chia thành một số cụm:
- Tư liệu về các toà thánh, và tư liệu liên quan đến lịch sử hình thành và hoạt động của đạo Cao Đài và của các tín đồ.
- Các văn bản hành chính của giáo phái.
- Diễn giảng về đạo pháp, hoặc diễn giảng về tính hỗn tạp của đạo Cao Đài.
- Mảng sách yếu chỉ dành cho nữ giới, hoặc về đời sống lứa đôi.
Như vậy, tư liệu về đạo Cao Đài trước 1945 tại Việt Nam đã cung cấp các thông tin về 3 phương diện của một tôn giáo, là đức tin, thực hành nghi lễ, và những người thực hành nghi lễ.
- Các văn bản về tín ngưỡng bản địa được viết chủ yếu bằng chữ quốc ngữ, và chữ Pháp, trong đó tư liệu bằng chữ quốc ngữ chiếm số lượng lớn hơn. Cả hai mảng tư liệu về tín ngưỡng bản địa Việt Nam được công bố ở nửa đầu thế kỷ XX đã cung cấp nhiều thông tin, tư liệu về các hình thức tín ngưỡng truyền thống, như: thờ trời đất, tam phủ tứ phủ (sùng bái tự nhiên), thờ cúng tổ tiên (bao gồm cả Hùng Vương), thờ thành hoàng làng, thờ mẫu, thờ tổ nghề, thờ thần,…
Qua những khảo cứu đó, quan điểm thực dân hoặc dân tộc của các tác giả cũng được thể hiện rõ ràng.
Ngoài ra, theo chính sách văn hóa của chính quyền thuộc địa và sau đó do ý thức của trí thức bản địa, tư tưởng phương Tây được giới thiệu cho độc giả Việt Nam. Tư liệu này ban đầu xuất hiện dưới dạng các bài viết trên báo chí, sau đó là các ấn phẩm độc lập. Hình thức văn tự là quốc ngữ, vì đối tượng đọc là người Việt. Về thời gian và không gian địa lý công bố chủ yếu từ đầu thế kỷ XX đến 1945, và chủ yếu tại hai thành phố lớn, là Sài Gòn, và Hà Nội. Các ấn phẩm này, căn bản mang tính dẫn nhập, với các nội dung: giới thiệu triết học phương Tây từ cổ đại (Aristotle) đến hiện đại (Kant, Nietzsche, Henri Bergson, Descartes, Einstein, Auguste Comte…). Một số nhân vật hoạt động tích cực là Nguyễn Văn Vĩnh lập ban tu thư “Âu Tây tư tưởng” (1919) và sau đó là tủ sách cùng tên (1927); Phạm Quỳnh với tờ Nam phong tạp chí; Nhóm Thanh nghị với tạp chí Thanh nghị; Nguyễn Đình Thi với các biên soạn triết học giản yếu xuất bản trong những năm 1940.
Đăng tải tháng 2 năm 2021