Vào thế kỷ 17, một loại chữ viết mới ra đời dựa trên bảng chữ cái La-tinh đã được các nhà truyền giáo châu Âu phát triển để phục vụ nhu cầu truyền đạo và sinh hoạt của cộng đồng. Sự đô hộ của Pháp, bắt đầu từ năm 1858, sau đó đã cho phép sử dụng rộng rãi chữ viết này tại Nam Kỳ, tiếp đến là Bắc kỳ và An Nam.
Ở miền Nam người ta bắt đầu viết truyện bằng chữ quốc ngữ như của các học giả Công giáo Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của, những tiểu thuyết phương Tây đầu tiên như Truyện thầy Lazaro Phiền, hay Hà Hương phong nguyệt, cuốn tiểu thuyết bị buộc tội là suy đồi đạo đức.
Tuy nhiên, chữ viết La Mã hóa, quốc ngữ, chỉ thực sự được phổ biến rộng rãi trong nhân dân nhờ vào sự thúc đẩy từ các học giả hiện đại, những người đã kêu gọi học nó vào đầu thế kỷ 20. Dễ đọc và dễ viết, theo tinh thần hiện đại, chữ quốc ngữ cho phép chia sẻ rộng rãi những ý tưởng và kiến thức mới trong dân chúng. Năm 1917, Quy định chung về Giáo dục công lập đã thiết lập hệ thống giáo dục Pháp-bản địa nhằm đào tạo những tác giả viết bằng chữ quốc ngữ, cũng như các độc giả của truyện và tiểu thuyết có nội dung về những chuyện làm họ say mê.
Tiếng Việt trở thành ngọn cờ của đất nước. Đối với những người biết đọc chữ Hán và những sinh viên mới ra trường đọc tiếng Pháp, ngôn ngữ và văn học là thành lũy cuối cùng ngăn chặn sự mai một của văn hóa và con người Việt Nam. Câu nói nổi tiếng của Phạm Quỳnh, Tổng biên tập Tạp chí Nam Phong, đã đúc kết lại tâm trạng này : « tiếng ta còn, nước ta còn ». Kiều, tiểu thuyết cùng tên và viết bằng thơ của Nguyễn Du (1766-1820) được xếp vào hàng kiệt tác và được phổ biến rộng rãi với một số lượng lớn các phiên bản bằng chữ quốc ngữ.
Bất chấp những bất đồng được minh chứng bằng cuộc tranh luận quốc học năm 1930, một thỏa thuận nhất định đã được thiết lập giữa các trí thức kêu gọi giải quyết vấn đề này bằng cách viết bằng tiếng Việt. Vào khoảng năm 1932, với thành công của Thơ Mới và của nhóm Tự Lực văn đoàn, chữ quốc ngữ được xem là ngôn ngữ của văn học và văn hóa.
Văn học Việt Nam viết bằng chữ quốc ngữ đã có sự phát triển chưa từng có. Một số lượng lớn các ấn phẩm ra đời sau Tố Tâm, tiểu thuyết cùng tên xuất bản năm 1925 và được xem như cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên, một tựa sách đặc biệt hợp lý vì tác động của nó đối với xã hội thời bấy giờ. Từ Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách đến Đoạn Tuyện (1935) của Nhất Linh, hai tiểu thuyết ghi dấu ấn một thời, người đọc thấy cá nhân khẳng định sự độc lập của mình với gia đình, người phụ nữ tự tin và khẳng định vị trí của mình trong xã hội.
Lịch sử văn học nhất trí hoan nghênh sức sống và sự phong phú của văn học chữ quốc ngữ. Vũ Ngọc Phan đã cho ra đời, từ năm 1942 đến năm 1944, tác phẩm đồ sộ của mình với 4 tập Nhà văn hiện đại. Hoài Thanh và Hoài Chân thực hiện công trình tương tự Thi nhân Việt Nam ra mắt năm 1942.
Đổi mới văn học là rất đáng kể. Trong Giấc mộng con (1917) của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, nhân vật tự thấy mình trong giấc mơ đi du lịch vòng quanh thế giới, khám phá các nước phương Tây, cũng như đất nước mà anh gọi là « Tân Thế giới », bị cô lập trong băng giá phía Bắc, nơi cư dân sống hòa hợp với thiên nhiên và quản lý công việc của họ theo một cách (gần như) quân bình. Khi trở về, anh ta muốn trở thành « triết gia » và viết sách để khai sáng dân tộc mình, theo hình mẫu của các triết gia phương Tây như J.J.Rousseau.
Trong Quả dưa đỏ (1925), cuốn tiểu thuyết phiêu lưu đầu tiên lấy cảm hứng từ Robinson Crusoé, Nguyễn Trọng Thuật đặt bối cảnh vào thời Hùng Vương : một hoàng tử bị lưu đày cùng gia đình trên hoang đảo, anh phát hiện ra một loại trái cây ngon mà anh trồng và bán được trước khi bị triệu hồi về cung.
Tây phương mỹ nhơn do Bà Huỳnh Thị Bảo Hòa xuất bản năm 1927 kể về câu chuyện tình yêu đầy trắc trở, bởi vì người đàn ông là người Việt Nam và người phụ nữ là người Pháp, bên cạnh đó là câu chuyện di cư của một thanh niên Việt Nam tri thức đã nhập ngũ trở thành người lính Pháp trong Chiến tranh Thế giới. Những người phụ nữ tri thức khác, như Bà Đạm Phương ở Huế miền Trung và Phạm Thị Bạch Vân ở Gò Công miền Nam, đã xuất bản sách và sáng tác tiểu thuyết, vừa đề cao giáo dục nữ giới vừa đấu tranh cho vị trí của phụ nữ trong xã hội.
Dấu hiệu cho thấy khả năng tiếp thu lớn của tác giả Việt Nam thực hành các kỹ thuật viết lách mới : sự tồn tại của tiếu thuyết thường được xem là giải trí như tiểu thuyết trinh thám hay tiểu thuyết hành động, cũng như tiểu thuyết thực nghiệm. Thế Lữ, trước khi được biết đến như sứ giả của Thơ Mới, đã thử sức ở tiểu thuyết kinh dị với tuyển tập Vàng và máu, với ý tưởng đưa tinh thần phản biện và khoa học vào xã hội Việt Nam. Ở thể loại tiểu thuyết trinh thám, Phạm Cao Củng có hàng chục cuốn tiểu thuyết mà trong đó những câu đố được giải quyết một cách bài bản. Lê Văn Trương, tác giả có nhiều thành công, đưa người đọc vào một cuộc hành trình và cũng giúp họ thoát ra nhờ lối viết đắc và đầy hình ảnh, rất được đánh giá cao vào thời đó, vì « y như trong phim ».
Bên cạnh tiểu thuyết và thơ, kịch cũng là lĩnh vực phát triển nhanh chóng : vở kịch nói đầu tiên Người bệnh tưởng của Molière được dịch từ tiếng Pháp và trình diễn năm 1920 ; năm 1921 Chén thuốc độc được ra mắt, vở kịch viết bằng tiếng Việt và đề cập đến chủ đề xã hội đương thời ; trong những năm 1940, kịch thơ tập trung vào các chủ đề lịch sử, với phong cách trang trọng hơn.
Các tiểu thuyết khác lên án hệ thống thuộc địa. Tác phẩm được biết đến nhiều nhất, chẳng hạn như Tắt đèn được xuất bản dưới sự hỗ trợ của Mặt trận Dân tộc và theo khuynh hướng hiện thực mô tả cảnh nghèo của người dân thường, phê phán quan lại và thư ký-phiên dịch.
Cuối cùng, chúng ta phải nhắc đến một thể loại văn học đặc biệt, tiểu sử. Ngoài một số lượng lớn tiểu sử của các nhân vật lịch sử Việt Nam như Hai Bà Trưng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa vào thế kỷ 1, Trần Hưng Đạo đánh đuổi quân Mông Cổ vào thế kỷ 13, Lê Lợi chiến thắng quân Trung Quốc và lập ra Nhà Lê vào thế kỷ 15, chúng ta có thể đọc tiểu sử của các nhà thơ và nhà văn Việt Nam như Cao Bá Quát, Hàn Mặc Tử, cũng như nhà văn Nga Tolstoï và nhà văn Trung Quốc Lu Xun.
Danh mục các tác phẩm trong kho Đông Dương (1922-1954) của Thư viện Quốc gia Pháp gồm 2176 đầu sách thuộc « tiểu thuyết hiện đại » chỉ trong giai đoạn 1930-1944.
Phần lớn các tác phẩm văn học này vẫn nằm im lìm trong các thư viện quốc gia tại Paris và Hà Nội. Trên thực tế, người đọc nói chung chỉ biết đến những tác phẩm tiêu biểu nhất và những tác giả tiêu biểu, được dạy và tái bản nhiều nhất. Nhờ vào Thư viện số Pháp-Việt, độc giả giờ đây có thể đọc toàn bộ bản gốc của văn học chữ quốc ngữ trong thời thuộc Pháp đang được lưu giữ trong kho lưu trữ tác quyền.
Đăng tải tháng 2 năm 2021