Nền văn học mới ở Việt Nam đã hình thành và phát triển trong hoàn cảnh đau thương và bi tráng của dân tộc khi song hành với sự xâm lược của thực dân Pháp. Sự ra đời của nó gắn với các tiền đề văn hóa xã hội là nền giáo dục mới, chữ quốc ngữ Latin, các cơ sở in ấn, xuất bản và đặc biệt là báo chí quốc ngữ.
Nền giáo dục mới đã đào tạo ra một tầng lớp độc giả mới và những nhà văn mới. Bên cạnh việc viết văn bằng chữ quốc ngữ, những nhà văn được nhà trường Pháp Việt đào tạo hoặc du học ở phương Tây cũng thử sức mình khi viết văn bằng tiếng Pháp, tạo thành một “trường phái văn học Pháp ngữ Đông Dương”. Thậm chí họ đã đạt được nhiều giải thưởng văn chương cao quý của Pháp. Phạm Văn Ký với tác phẩm Perdre la demeure đã đoạt Giải thưởng lớn cho tiểu thuyết của Viện Hàn lâm Pháp. Thơ của ông và Lư Khê cũng đã đoạt giải Jeux Floraux. Trần Văn Tùng có giải Grand Prix de l’Empire, bà Lý Thu Hồ nhận được Prix littéraire de l’Asie.
Bên cạnh đó, cũng cần chú ý đến vai trò của Công giáo khi chữ quốc ngữ Latin đã được sáng tạo từ nhà dòng. Vượt ra khỏi mục đích ban đầu là giao lưu tiếp xúc, truyền đạo, đến nửa cuối thế kỷ XIX, chữ quốc ngữ bước dần sang lĩnh vực văn hóa văn học, trở thành công cụ thuận lợi để chuyển tải kiến thức, phát triển văn học. Đến đầu thế kỷ XX, chữ quốc ngữ được sử dụng rộng rãi, giữ vị trí độc tôn, góp phần đưa văn học vào quĩ đạo hiện đại. Văn xuôi chữ quốc ngữ do đó đã phát triển trước tiên trong bộ phận giáo dân Công giáo. Không phải ngẫu nhiên mà những tác phẩm văn xuôi quốc ngữ đầu tiên hầu hết là của những nhà văn Công giáo.
Sự xuất hiện của máy in và các nhà xuất bản cũng tạo cho nền văn học mới những thế mạnh kinh tế - kỹ thuật khác trước trong việc phổ biến tác phẩm văn chương, đưa văn học vào đường hướng chuyên nghiệp hóa. Điều đáng chú ý là không chỉ ở những đô thị lớn như Hà Nội, Sài Gòn mới có các nhà in, nhà xuất bản mà cả ở tỉnh lẽ cũng có.
Báo chí quốc ngữ Việt Nam xuất hiện sớm nhất ở Đông Á, sau đó nhanh chóng phát triển và tác động rất lớn đến sự phát triển của văn học quốc ngữ đầu thế kỷ XX với vai trò là bà đỡ của nền văn học mới. Qua sự phát triển của báo chí quốc ngữ, chúng ta thấy được sự hình thành và phát triển của nền văn học hiện đại Việt Nam, từ chỗ chỉ mới có truyện dịch và các bút ký, đoản thiên tiểu thuyết ở thời kỳ đầu cho đến những tiểu thuyết dày dặn sau này. (Xem mục “báo chí”)
Ảnh hưởng của văn hóa phương Tây đã làm đảo lộn bậc thang giá trị của hệ thống thể loại. Tiểu thuyết từ thể loại tầm thường đã lên ngôi, phát triển rất mạnh mẽ mà bước xuất hiện đầu tiên là ở Nam Kỳ trước khi đạt được đỉnh cao ở giai đoạn 1932-1945. Các nhà văn Việt Nam ban đầu học tập kỹ thuật, thi pháp của tiểu thuyết phương Tây bằng cách dịch thuật. Các tờ báo quốc ngữ đã là nơi công bố những bản dịch văn học đầu tiên, từ ngụ ngôn của La Fontaine cho đến tiểu thuyết của Victor Hugo, Alexandre Dumas.
Về dịch thuật tiểu thuyết Trung Quốc, loại tiểu thuyết anh hùng chiếm số lượng rất lớn ở Nam Kỳ do phù hợp với tâm lý di dân của dân Nam Kỳ và cả người Minh Hương xa xứ. Loại thứ hai là loại tiểu thuyết kiếm hiệp được ưa chuộng cả ở hai miền Nam Bắc. Loại tiểu thuyết tình cảm xã hội, tiểu thuyết diễm tình rất ít thấy ở Nam Kỳ trong khi lại được độc giả miền Bắc rất ưa chuộng.
Việc dịch thuật tiểu thuyết phương Tây và dịch thuật truyện Tàu nói trên đã tác động lớn đến việc hình thành và phát triển của tiểu thuyết hiện đại ở Nam Kỳ.
Sau đó là giai đoạn mô phỏng, phóng tác. Hồ Biểu Chánh đã liệt kê 12 tiểu thuyết phương Tây được mình phóng tác. Truyện ngắn của Phạm Duy Tốn cũng được phóng tác từ tác phẩm của Guy de Maupassant, Alphonse Daudet. Phóng tác là để các nhà văn làm quen với thể loại mới, để học tập kỹ thuật viết văn của phương Tây. Các nhà văn Việt Nam khi phóng tác cũng đã cố gắng Việt hóa khi xây dựng hoàn cảnh, tình huống truyện, tính cách nhân vật, làm cho các tác phẩm này mang đậm màu sắc Việt Nam, như trường hợp của Hồ Biểu Chánh.
Sau thời kỳ mô phỏng, phóng tác, mãi đến thập niên thứ hai của thế kỷ XX mới bắt đầu có tiểu thuyết với Hà Hương phong nguyệt (1912) của Lê Hoằng Mưu, Kim thời dị sử (1917) của Biến Ngũ Nhy, Ai làm được (1919) của Hồ Biểu Chánh, Nghĩa hiệp kỳ duyên (1920) của Nguyễn Chánh Sắt. Đến thập niên thứ ba, tiểu thuyết quốc ngữ Nam Kỳ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Sau đó tiểu thuyết quốc ngữ Việt Nam đã đạt được thành tựu rực rỡ với Tố Tâm (1925) của Hoàng Ngọc Phách, với những tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn, của các nhà văn hiện thực trong giai đoạn 1932-1945.
Riêng thơ ca, với ảnh hưởng của thơ ca Pháp và sự xuất hiện của cái tôi cá nhân, đã làm nên một cuộc cách mạng từ năm 1932 mà Hoài Thanh – Hoài Chân đã tổng kết trong Thi nhân Việt Nam, đó là phong trào Thơ mới. Thơ mới bên cạnh ảnh hưởng của thơ ca dân tộc và ảnh hưởng thơ Đường Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng rất sâu đậm từ thơ Pháp, đặc biệt là thơ tượng trưng.
Về văn học sân khấu, đáng kể có Tuồng cha Minh (1881) của J. M. J., vở kịch hiện đại đầu tiên của Việt Nam; Tuồng Joseph (1887) của Trương Minh Ký, Chén thuốc độc (1921) của Vũ Đình Long, Tuồng Thương khó (1912) của Nguyễn Bá Tòng.
Phê bình văn học hiện đại cũng mở đầu với sự xuất hiện Phê bình và cảo luận (1933) của Thiếu Sơn. Sau đó là Kiều Thanh Quế, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh, Trương Tửu, Trần Thanh Mại, Hải Triều,…
Văn học Việt Nam giai đoạn này mang tính giao thời, bên cạnh văn học chữ quốc ngữ, văn học Hán Nôm vẫn còn tồn tại. Trải qua nhiều thế kỷ, nhà nho Việt Nam vốn dùng chữ Hán để viết văn tự hành chính và sáng tác văn chương. Nền văn học chữ Hán đồ sộ đã đạt được nhiều thành tựu như Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn. Nhưng trong quá trình xây dựng nền văn hóa dân tộc, người Việt luôn muốn từ bỏ yếu tố Hán, vì thế chữ Nôm đã ra đời, là thứ văn tự được sáng tạo từ những thành tố của chữ Hán, sắp xếp theo một số nguyên tắc để ghi âm tiếng Việt. Thời điểm ra đời của chữ Nôm chưa được xác định, chỉ biết sau thế kỷ thứ X mới phát triển, tự hoàn thiện để đến giữa thế kỷ XIII trở thành một hệ thống văn tự. Bắt đầu bằng Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, văn học chữ Nôm đã đạt đến đỉnh cao ở đầu thế kỷ XIX với Truyện Kiều của Nguyễn Du, với Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương. Đến cuối thế kỷ XIX, tiếp tục truyền thống của cha ông, các nhà Nho yêu nước như Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông vẫn sáng tác bằng chữ Nôm. Đó là sự phản kháng của họ trước sự xâm lăng của văn hóa phương Tây, là nỗ lực trong việc bảo vệ văn hóa truyền thống, giúp văn học Hán Nôm được duy trì và phát triển.
Tất cả những điều chúng tôi trình bày ở trên đều có thể tìm thấy trong mục “Văn học” của website thư viện Quốc gia Pháp. Mục này gồm một số tài liệu Hán Nôm quý hiếm thế kỷ XIX, cả một kho tàng văn học quốc ngữ trước 1954, văn học dịch và vấn đề tiếp nhận văn học nước ngoài ở Việt Nam, văn học về Đông Dương bằng tiếng Pháp do người Pháp và người Việt viết cho độc giả Pháp ngữ. Chúng là những tài liệu quý cho những ai có hứng thú nghiên cứu về buổi bình minh của nền văn học quốc ngữ Việt Nam nói riêng và văn học Đông Dương nói chung.
Đăng tải tháng 2 năm 2021