Lời giới thiệu

Hành trình khám phá châu Á đã mang lại vô số những ghi chép uyên bác về hành chính, y tế, luật pháp, tôn giáo do người Việt Nam và người Pháp để lại, kiến tạo nên một đối tượng nghiên cứu độc đáo, một loại hình văn hóa bác học lai hợp được in dấu trong các bộ sưu tập của Thư viện Quốc gia Pháp và của Thư viện Quốc gia Việt Nam, tiêu biểu là kho lưu chiểu Đông Dương.

Đối với những ai đã đi qua gần cả thế kỷ 20, Việt Nam vốn đồng nghĩa với chiến tranh và áp bức thuộc địa. Người ta liên tưởng đến những nhà giam chuồng cọp rồi Điện Biên Phủ, cũng là tên chiến dịch mở đầu cho một loạt các sự kiện lịch sử như cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, hay chiến dịch giải phóng Sài Gòn và những hình ảnh đau thương trong bộ phim Apocalypse Now. Nhưng trước đó, bên cạnh những hình ảnh đang dần lùi xa vào quá khứ này, Việt Nam đã từng là một cánh cửa mở ra châu Á, một con đường đến Vân Nam, Quảng Tây và miền nam Trung Quốc, để tái tạo lại đường nét của người Lạc Việt cổ.

Nhờ có Việt Nam mà nước Pháp đã phát hiện và tiếp thu Phật giáo, tôn giáo của đa số của người Việt di cư, tự nguyện hay cưỡng chế, họ cũng là những người lính đã tham gia chiến tranh Pháp và là những người trồng lúa ở Camargue. Hành trình khám phá châu Á đã mang lại vô số những ghi chép uyên bác về hành chính, y tế, luật pháp, tôn giáo do người Việt Nam và người Pháp để lại, kiến tạo nên một đối tượng nghiên cứu độc đáo, một loại hình văn hóa bác học lai hợp in dẫu trong các bộ sưu tập của Thư viện Quốc gia Pháp và của Thư viện Quốc gia Việt Nam, tiêu biểu là kho lưu chiểu Đông Dương. Lịch sử nước Pháp đan xen với lịch sử Việt Nam, có những điểm khác nhau nhưng cũng có những tương đồng, chính điều đó dẫn dắt chúng ta bước đi trên con đường tìm kiếm cứ liệu. Sự dồi dào phong phú  của các cứ liệu văn bản  gợi mở những khám phá mới bởi nó chính là minh chứng của một không gian chung, trong đó việc sử dụng bảng chữ cái La-tinh để viết tiếng Việt đã làm nổi bật những điểm hội tụ. Trái ngược với tư tưởng khôi phục chỉ xoay quanh các thực thể khép kín, các mối liên kết cố định một lần và mãi mãi, Thư viện Hoa phượng vỹ sẽ là một minh chứng cho tính phì nhiêu của các cuộc gặp gỡ dù chỉ tập trung vào giai đoạn từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20 thời điểm khi lịch sử hai nước tiệm cận. Bởi có ký ức về nước Pháp trong Việt Nam, thì đồng thời cũng có ký ức về Việt Nam trong nước Pháp : dịch giả đã dịch Kim Vân Kiều sang tiếng Pháp cũng là người đã dịch truyện ngụ ngôn của La Fontaine sang tiếng Việt. Những ký ức lồng ghép này được thể hiện qua mảng văn học Pháp ngữ (đến mục “văn học”), trong đó tiếng Pháp được làm giàu thêm nhờ các tác giả Việt Nam. Đó chính là lý do mà Thư viện Quốc gia Pháp lựa chọn đặt cho trang web về những giao thoa Pháp-Việt từ các cuộc xâm lược thực dân đến thời kỳ giải phóng đất nước, dưới một biểu tượng lạc quan và thân thiện, đó là những đóa hoa phượng vỹ rực rỡ tô điểm các sân trường ở Việt Nam như trong những ghi chép của các tiểu thuyết gia hoặc những nhà lữ hành phương Tây.

Ở nhiều nơi tại Pháp hoặc Việt Nam, trong các thư viện cộng đồng và tư nhân, ta có thể tìm thấy các tác phẩm viết về Pháp, Việt Nam và các mối quan hệ giữa hai nước, nhưng để có thể liệt kê toàn bộ kho tàng tri thức trên văn bản và bằng hình ảnh theo nghĩa rộng nhất, trước tiên cần tập trung vào các thư viện Quốc gia nơi lưu giữ đại đa số tư liệu và nhất là họ sở hữu những công cụ thư mục quý giá. Điều đáng chú ý là hàng nghìn tư liệu đã được số hóa và có thể tra cứu trực tuyến.

Một trong những đặc điểm nổi bất của mối quan hệ Pháp-Việt chính là mối quan hệ giữa hai nền văn hóa rất xa về mặt không gian. Do đó, sự lưu chuyển (tên đề mục) giữa sông Hồng hoặc sông Mê Kông và nước Pháp sẽ là một yếu tố  đặt thù thể hiện qua những ghi chép trong công cuộc khai phá và chinh phục, những hư cấu thuộc địa, những trải nghiệm của các nhà truyền giáo khác nhau khi sống ở Nam Kỳ, Bắc Kỳ hay Trung kỳ - là ba thành tố của không gian Việt Nam (tiểu mục "Đất nước con người") nơi chứng kiến những cuộc di dân giữa ba kỳ, sau này hợp tụ cùng Lào, Campuchia dưới thời đế quốc thực dân Pháp  thành Đông Dương thuộc Pháp. Bản đồ địa lý ngày càng chính xác hơn và nếu như các cường quốc thuộc địa đều tìm cách tìm hiểu các dân tộc bị chinh phục để kiểm soát họ, thì có thể nói rằng trong trường hợp của Việt Nam, khát khao kiến ​​thức về dân tộc học, ngôn ngữ học và về khảo cổ học rõ ràng đã vượt ra ngoài công thức khiên cưỡng này. Hiểu Việt Nam tức là hiểu Châu Á. Những tác phẩm dù đến nay có lỗi thời hay không đều đã tạo nên những trang lịch sử khoa học, xứng đáng được ra mắt độc giả. Tuy nhiên, cần phải nói rằng muốn quan sát các quần thể dân cư và sự di chuyển của họ (tiểu mục "du ký") cần phải thiết lập một kho tàng tư liệu hành chính dồi dào, các sổ kê khai và số liệu thống kê cần thiết cho các sử gia. Những trao đổi giữa Việt Nam và Pháp cũng như giữa Việt Nam và các nước láng giềng ghi dấu trong con người cũng như trong sách vở, tri thức, những biểu trưng, và tất cả các yếu tố cấu thành của một nền văn hóa (mục "chuyển giao văn hóa"), các yếu tố mà thông qua chuyển giao luôn biến đổi và thích nghi với những bối cảnh mới.

Nhưng trước thời kỳ chuyển giao tiếp biến, đã có một truyền thống thuần Việt Nam được bảo tồn trong Thư viện Quốc gia Pháp qua hàng trăm các tư liệu Hán Nôm. Trải qua hàng thế kỷ dưới hệ thống thi cử quan lại, xã hội nho giáo Việt Nam, cũng như Trung Quốc đương thời, đã cho ra đời những tác phẩm thơ ca, những luận giải làm nên cả một cơ sở tư liệu tham khảo vẫn mãi trường tồn trước thử thách của chữ viết La-tinh (mục "La mã hóa") và của văn hóa Pháp ngữ. Ngoài hình thức truyền đạt bằng chữ viết, truyền thống Việt Nam (mục “truyền thống”) rất phong phú cả về các hình thức thẩm mỹ, thủ công mỹ nghệ, trang phục, ca hát, nghi lễ và lễ hội mà nhà du hành đã tường thuật, vẽ nên hoặc chụp lại. Đây là chất liệu dồi dào cho ngành dân tộc học và cho nghiên cứu các hình thức nghệ thuật dân gian, nay càng được tôn vinh qua Thư viện Hoa phượng vỹ để mở ra nhiều nghiên cứu mới. Những hình thức này không hề ngẫu nhiên mà chúng đề cập đến một hệ thống tư tưởng phức hợp (mục “tư tưởng”) liên quan đến tôn giáo hay đúng hơn là với các tôn giáo có mặt ở Việt Nam song hành theo một xu hướng hỗn nhập đặc thù. Ở Việt Nam, các tôn giáo này giao thoa lẫn nhau với mật độ cao hơn hẳn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Phật giáo (tiểu mục "Phật giáo") Đại thừa du nhập trực tiếp từ Ấn Độ, một nhánh của Phật giáo đặt hình tượng nữ của Phật Bà Quan Âm làm vị trí trung tâm. Từ đây ra đời đạo Phật Hòa Hảo, một hình thức tâm linh ra đời vào cuối thập niên 1930 tại Đồng bằng sông Cửu Long. Đạo Cao Đài (tiểu mục "Đạo Cao Đài"), ra đời trước đó ít lâu, là một minh chứng khác về khả năng kiến tạo tôn giáo mới của Việt Nam. Đạo giáo (tiểu mục "Đạo giáo"), gần như tích hợp các tín ngưỡng bản địa (tiểu mục "tín ngưỡng bản địa"), tạo nên một hình thức đặc biệt điển hình của Việt Nam, theo hình mẫu của Nho giáo (tiểu mục "Nho giáo"), có biểu tượng Văn Miếu đặt ngay tại trung tâm Hà Nội. Rõ ràng là Công giáo (tiểu mục “Thiên chúa giáo”) của thực dân Pháp khi đến Việt Nam tự thân nó đã tiếp biến các hình thức đặc biệt. Vì thế, các công trình giới thiệu tất cả học thuyết trên cần được đặc biệt nhấn mạnh vì Việt Nam là một đối tượng nghiên cứu tiềm năng cho nền khoa học về các tôn giáo. Nhưng sẽ không công bằng nếu quên sự đóng góp của các triết gia hoặc lý thuyết gia Việt Nam cho các hình thức tư tưởng triết học phương Tây (tiểu mục "triết học phương Tây"), ta phải nhắc đến chủ nghĩa Mác tại Việt Nam, về những nỗ lực thích ứng hiện tượng học hoặc chủ nghĩa hiện sinh trong một bối cảnh mới. Việc cung cấp những nguồn tư liệu sẵn có này sẽ mở ra một chương mới trong khoa học về các tôn giáo và lịch sử triết học.

Các ghi chép bằng tiếng Việt hoặc về Việt Nam đều là một thành tố khoa học mạnh mẽ. Tất nhiên, người ta nghĩ đến việc phổ biến của khoa học phương Tây (mục "khoa học và xã hội") trong những buổi đầu thuộc địa, đến các văn bản mang tính phổ cập được trình bày bắt mắt về khổ sách cũng như hình ảnh minh họa. Nhưng song hành với nó là các ngành khoa học truyền thống, chẳng hạn như y học. Ta không thể nào bỏ qua tất cả các bài viết của các học giả Pháp và Việt Nam hội tụ quanh Viện Viễn Đông Bác Cổ, Đại học Hà Nội, các trường trung học ở Hà Nội hay Sài Gòn. Họ không chỉ nghiên cứu quá khứ của đất nước từ các nền văn hóa Sông Hồng đến văn hóa Chămpa mà trong quá trình vhoạt động khoa học chung ấy, còn đặt nền móng cho ngành nhân học Pháp và ngành Đông phương học hiện đại nhờ vào việc thu thập cứ liệu của các cộng sự Việt Nam.Họ dần chuyển hướng quan tâm về châu Á đồng thời giúp đào tạo một thế hệ cán bộ chính trị. Đó là cả một chương trong lịch sử của các ngành khoa học nhân văn cần được nhấn mạnh. Và không chỉ giới hạn trong khoa học nhân văn mà còn phải kể đến Viện nghiên cứu Pasteur ở Nha Trang và ở Hà Nội do Alexandre Yersin thành lập đã trở thành những cơ sở chủ chốt của ngành nghiên cứu vi khuẩn học.

Sự quyến rũ của hoa phượng vỹ khiến ta không thể nào quên được những nền móng phổ biến của không gian thuộc địa nhưng lại được cấu trúc trên các cơ sở hành chính (mục "chính quyền và triều đại"). Bên cạnh chính quyền thuộc địa - theo sau nó là ra cả một bộ máy hành chính kiểu Pháp - thì các cơ quan của triều đình Huế vẫn song hành. Nó vẫn luôn là một tham chiếu và một tác nhân trong hoạt động chí ít là mang tính biểu tượng quốc gia cho đến hết thời Bảo Đại - vị hoàng đế cuối cùng của Việt Nam. Từ việc tiếp biến thích nghi các bộ luật của Trung Quốc đến việc áp dụng luật pháp của Pháp, cả một lịch sử pháp luật Việt Nam (mục "chính quyền và triều đại") đã ghi lại dấu ấn. Cuối cùng, sự hiện diện của Pháp tại Việt Nam, cũng như việc tổ chức hành chính thành ba kỳ tuân theo các mục tiêu chính trị chung và vì mục đích kinh tế. Các cách tổ chức vốn (Ngân hàng Đông Dương), vấn đề thủ công Việt Nam, việc sử dụng cao su, đầu tư công nghiệp vào một không gian thay thế vùng Alsace-Lorraine đã bị đánh mất hình thành nên cả một nền văn hóa kinh tế (mục "đời sống kinh tế") với các quy định, thỏa thuận, hội chợ quốc tế, các công ty cơ sở hạ tầng quy mô lớn như cảng Hải Phòng và nâng lịch sử kinh tế Việt Nam thế kỷ 19-20 trở thành một chương của lịch sử kinh tế châu Âu.

 

Đăng tải tháng 2 năm 2021

Réduire l'article ^