Thiên Chúa giáo

Tra cứu mục

Đây là hình thức tôn giáo xa lạ với tôn giáo và tín ngưỡng bản địa Việt Nam. Xét về lịch sử, Thiên chúa giáo du nhập vào Việt Nam trước chủ nghĩa thực dân.

Vì vậy, tư liệu về Thiên chúa giáo tại Việt Nam ra đời từ thế kỷ XVIII, XIX, trong đó sách truyền giảng đạo bằng chữ Hán và Nôm có số lượng lớn. Còn từ nửa sau thế kỷ XIX thì ngoài các ấn phẩm độc lập, tư liệu về Thiên chúa giáo chủ yếu là các bài viết trên báo chí, tập trung ở báo Vì Chúa. Các tư liệu này sủ dụng cả 4 hình thức văn tự, Hán, Nôm, quốc ngữ, Pháp; trong đó chữ quốc ngữ là chủ yếu. Chúng xuất hiện từ những năm 1920 đến 1945, tại nhiều tỉnh thành, như Mỹ Tho, Bạc Liêu, Bến Tre, Cần Thơ, Sài Gòn, Quy Nhơn, Huế, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội, trong đó chủ yếu là Quy Nhơn, Sài Gòn, Huế, Hà Nội.

Tư liệu về Thiên Chúa giáo chủ yếu trình bày các vấn đề chính sau:
- Truyền bá kinh sách: Diễn dịch kinh thánh; diễn giảng kinh sách; kể chuyện các nhân vật tôn giáo, các tấm gương tử vì đạo
- Lịch sử Thiên chúa giáo
- Thuật kể các hoạt động thực hành tín ngưỡng hoặc hoạt động của các giáo hội địa phương
- Các quan điểm (ủng hộ, chống đối) Thiên chúa giáo, ví dụ: Dương Từ Hà Mậu của Nguyễn Đình Chiểu sáng tác khoảng 1854, truyện thơ, Nôm. Và hoặc quan điểm khoan dung Thiên chúa giáo với các tôn giáo, tín ngưỡng khác như Giáo môn luận bằng chữ Hán của Nguyễn Trường Tộ.
 

Vì đây là tôn giáo ngoại nhập trong hoàn cảnh thay đổi văn tự và bị thuộc địa hóa, nên có 3 xu hướng đáng chú ý nhất về tư liệu thời kỳ này, đó là:

- Ấn phẩm thuộc loại xuất hiện sớm nhất có lẽ là vào quãng đầu những năm 1920, như Sách ngắm chầu phép Sangtisimô Sacramentô và viếng đất thánh Đức bà Maria do Phú Nhai Đường xuất bản năm 1922, Thánh giáo lý khoa tổng yếu do Phú Nhai Đường xuất bản năm 1924.

- Xu hướng quốc ngữ hóa, đại chúng hóa. Ví dụ: Tuồng thương khó của Jean-Baptiste Nguyễn Bá Tòng (1923), Vì thương chẳng nệ : tuồng ba hồi của Đảnh Sơn (1924), Tuồng Sébastien tử đạo (1925), Tuồng Thánh Gioan và chúa cứu thế của Sesbastien Chánh (1926), Tuồng ông Giacob và các con của Philippe Lê Thiện Bá (1933), Chuyện đấng cứu thế thêm kinh Tin kính diễn ca của Đặng Đình Hướng (1934), Ba mươi bài hát kính các thánh của Ph. M. Vương (1940), Sự thương khó Đức chúa Giêsu tỏ cho bà Josefa do đức cha Josseph Trần Hiếu Lễ dịch (1942)

- Dịch Kinh thánh (thực chất cũng là xu hướng quốc ngữ hóa). Đặc biệt cần chú ý hai ấn phẩm. Một là cuốn Phúc âm Giăng, Phúc âm Ma-thi-ơ, Phúc âm Mác, Phúc âm Lu-ca , bản Nôm in tại Hà Nội, bản quốc ngữ in tại Thượng Hải (Trung Quốc), 1918. Có lẽ đây là phần Kinh Thánh đầu tiên in tại Việt Nam. Và cuốn  Kinh Thánh, Phan Khôi là dịch giả chính do Hội thánh Tin lành xuất bản tại Hà Nội năm 1926. Đây được coi là bản dịch tốt nhất thời kỳ này.
 

Về lịch sử truyền bá đạo thiên chúa vào Việt Nam, đáng chú ý nhất là cuốn Tây dương gia tô bí lục của Phạm Ngộ Hiên, Nguyễn Hoà Đường, Nguyễn Bá Am, Trần Trình Hiên. Các tác giả này đều là giáo sĩ Thiên chúa giáo dòng Tên sống vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Tác phẩm thuộc loại truyện dã sử, viết chữ Hán, thể hiện tư tưởng dân tộc chống đế quốc xâm lược. Ngoài lời tựa, sách gồm 9 quyển:

Quyển 1: kể về sự ra đời và tiểu sử Jêsu, thuyết phần hồn phần xác, chúa Trời ba ngôi…
Quyển 2: kể cách thức Jêsu thuyết phục người Jiuđê theo các tín điều nghi lễ do mình đề xướng.
Quyển 3: kể chuyện chúa Jêsu đến giảng đạo ở Jêrusalem và sự phản ứng của dân chúng, việc Jiuđa phản bội và cuộc hành hình trên núi Gôgôtha.
Quyển 4: chuyện về việc Jêsu sống lại truyền phép kín cho các môn đồ trên núi Ôlivêtê.
Quyển 5: chuyện về việc Jêsu chỉ huy đội quân Lâm Bô đánh phá Jêrusalem…
Quyển 6: chuyện về môn đồ của Jêsu lánh ra ngoài cõi Jiuđê, sang kinh đô La Mã và được nhà vua ở đây trọng dụng...
Quyển 7: chuyện về việc các Giáo hoàng sắp đặt phép tắc nghi lễ để nâng đạo Jêsu (Gia Tô) lên địa vị độc tôn.
Quyển 8: kể về sự bành trướng của đạo Gia Tô sang các nước láng giềng và biện pháp của một số nước cấm đạo để đối phó với âm mưu thôn tính của người La Mã.
Quyển 9: thuật quá trình đạo Thiên Chúa truyền vào Việt Nam. Sự thức tỉnh đầu tiên của những người Thiên Chúa giáo yêu nước trước nguy cơ nạn ngoại xâm nấp sau danh nghĩa truyền giáo.

Ngoài ra, cần phải kể đến cuốn Lịch sử đạo thiên chúa ở Việt Nam: thế kỷ XVI-XVIII của Hồng Lam, do Đại Việt xuất bản tại Huế năm 1944.
 

Về tờ tuần báo Vì Chúa, trên thực tế, đây là diễn đàn thể hiện rất rõ lập trường biện minh cho tính hợp thức và chính đính của Thiên chúa giáo ở môi trường văn hóa, chính trị Việt Nam lúc bấy giờ. Với tư cách một tôn giáo mới du nhập, Thiên chúa giáo phải cạnh tranh với Phật giáo và tín ngưỡng bản địa. Ở phương diện này, Vì chúa cho đăng nhiều bài phê phán mê tín dị đoan xuất phát từ đức tin mù quáng của Phật tử hoặc thuyết luân hồi, tư tưởng vô thần. Đôc giả thường xuyên được đọc những bài tranh luận giữa Vì chúa Viên âm. Kế tiếp đó, nhiều bài báo khẳng định Thiên chúa giáo không trái với khoa học và được nhiều nhà khoa học tín ngưỡng, khẳng định sự tồn tại của Chúa trời. Ở phạm vi tư tưởng: tờ Vì chúa cố gắng tìm kiếm những kết nối với Nho giáo. Khác với thái độ công kích dành cho Phật giáo, các bài phê phán Nho giáo trên Vì chúa đều nhẹ nhàng; trong khi đó, gần như tất cả các bài báo đều dùng những khái niệm triết học đạo đức của Nho giáo, như trung hiếu, cương thường; hoặc lồng vào các khái niệm đó nội dung, ý niệm Thiên chúa giáo. Và từ hai phương diện trên, Vì chúa dường như muốn tìm kiếm một vị thế chính trị cho đạo Thiên chúa.

 

Đăng tải tháng 2 năm 2021