Suốt khoảng gần 10 thế kỷ của lịch sử Việt Nam, từ thế kỷ 10 đến giữa thế kỷ XIX, Nho giáo từng bước khẳng định vị thế ảnh hưởng lớn của mình về chính trị, về tư tưởng, trong tâm thức cộng đồng.
Nho giáo góp phần quan trọng trong việc kiến tạo ý thức dân tộc, kiến tạo bản sắc dân tộc. Nhưng việc thất bại về quân sự trước người Pháp và hệ quả là mất nước, trở thành thuộc địa, rồi chịu ảnh hưởng của văn minh phương Tây,… đã dẫn đến những nhận thức khác về Nho giáo.
Trong khoảng thời gian từ những năm 1920 đến 1945, trên cả ba kỳ, với hình thức chữ quốc ngữ là chủ yếu, nhiều ấn phẩm (độc lập hoặc bài báo) về Nho giáo đã xuất hiện.
Chia theo chủ đề, nguồn tư liệu đó bao gồm:
- Diễn dịch kinh sách Nho giáo: Sớm nhất là các nhà biên khảo khảo Nam Kỳ, như Trương Vĩnh Ký (dịch Minh tâm bửu giám)... Tiếp đó là những nhà bỉnh bút trên Nam Phong tạp chí (như Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến dịch và chú giải Luận ngữ, Mạnh tử). Đây là cơ sở để các ấn phẩm độc lập về Luận ngữ, Mạnh Tử, hoặc tác phẩm của Liệt Tử, Hàn Phi Tử tái bản hoặc ra đời sau đó.
- Luận khảo về Nho giáo: gồm hai dạng ấn phẩm: bài hoặc bài nhiều kỳ trên báo, tạp chí (Phạm Quỳnh, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Trọng Thuật, Trần Trọng Kim… trên Nam Phong tạp chí) và ấn phẩm độc lập, như: Tam giáo thiển đàm (1938) của Đoàn Thị Sâm, Khổng học đăng (1929) của Phan Bội Châu, Đạo lý phật giáo với đạo lý nho giáo ở nước ta (1935) của Trần Văn Giáp, Nho giáo (1932) của Trần Trọng Kim, Phê bình Nho giáo Trần Trọng Kim (1940) của Ngô Tất Tố, Luân lý đạo nho (1944) của Trúc Hà, Khổng giáo phê bình tiểu luận (1938) của Vệ Thạch Đào Duy Anh, v.v.
- Nghiên cứu, biên khảo về các nhân vật tiêu biểu của Nho giáo Trung Hoa (Khổng Tử, Mạnh Tử,..):
- Đánh giá, tranh luận về tư tưởng Nho giáo: Ngoài những tư liệu tranh luận về tương quan hoặc đối sánh Nho giáo với Thiên chúa giáo (đã đề cập ở mục tư liệu về “Thiên chúa giáo”), có thể nhìn thấy hoạt động này qua một số hiện tượng nổi bật. Trong bài diễn thuyết “Lý tưởng của thanh niên Việt Nam” (in lại trên Chuông rè, số 5 và 6, 1923), với góc nhìn của một trí thức Âu học, Nguyễn An Ninh cho rằng tư tưởng Khổng giáo đem lại trật tự, an vui cho dân chúng, nhưng không phải là lý tưởng cao nhất cho hiện tại, trái lại tạo ra những thói tệ cho xã hội. Trong khi đó, báo Khai hóa (Bắc Kỳ) và Đông Pháp thời báo (Nam Kỳ) trong năm 1925 lại cổ xúy cho Nho giáo, với lý do Nho giáo đã tạo ra văn hiến cho Việt Nam. Đây có lẽ là những bài viết đầu tiên báo hiệu sự ra đời của xu thế luận bàn về Nho giáo.
Đặc biệt, Phái phê phán Nho giáo có đại diện kịch liệt là Phan Khôi (1887-1959). Quan niệm rõ nét của Phan Khôi về Nho giáo xuất hiện từ bài “Học thuyết về đạo đức của Khổng Phu Tử” (2 kỳ, trên tạp chí Hữu thanh, 1924). Tiếp đó là bài “Chánh trị gia khẩu đầu chi Khổng Tử” (cho tờ Quần báo chữ Hán tại Chợ Lớn, đầu 1929). Nêu trạng thái ngập ngừng tôn Khổng/đả Khổng ở Trung Hoa đương thời, nhân đó nêu yêu cầu thảo luận về di sản Khổng giáo ở phương Đông, cả Trung hoa lẫn Việt Nam. Vào cuối năm 1929, Phan Khôi viết 21 kỳ báo dưới tiêu đề “Cái ảnh hưởng Khổng giáo ở nước ta” (trên Thần chung), bắt đầu khiến đọc giả các giới quan tâm. Đặc biệt, những năm 1931-1932, ông viết nhiều bài về các vấn đề liên quan đến di sản Nho giáo (tập trung trên Phụ nữ tân văn), như hôn nhân gia đình, thái độ đối với phụ nữ, thanh niên, người đi học, v.v.; chú ý tìm hiểu và thông tin về việc giới đại học ở Pháp và châu Âu nghiên cứu tư tưởng văn hóa Đông Á ra sao.
Những năm 1934-1940, Phan Khôi viết cho nhiều báo khác nhau, phê phán những đặc điểm của giới nhà nho: thiếu khoan dung, thủ cựu, thù địch với cái mới, nhất là thù địch với dân chủ. Ông đồng thời đưa ra phương thức giải quyết như sau:
dùng Nho giáo nguyên thủy (Nho giáo của Khổng Mạnh) để lý giải lại quan hệ con người từ xã hội cổ sang hiện đại, tức loại bỏ Tống Nho;
kế tục một số tư tưởng và truyền thống Nho giáo trong đào luyện nhân cách, tu thân của cá nhân. Như vậy, Nho giáo đã bị bác bỏ vai trò trong dự án kiến tạo văn hóa dân tộc hiện đại, và cả trong chỉnh đốn đạo đức.
Nhưng người bênh vực công phu nhất cho Nho giáo phải là Trần Trọng Kim (1883-1953) – thanh tra học chính Bắc Kỳ lúc đó, với công trình Nho giáo. Do tập trung vào lịch sử Nho giáo Trung Hoa, phần lịch sử Nho giáo Việt Nam chỉ sơ lượng, nên đây là một tài liệu tham khảo tốt về lịch sử Nho giáo Trung Hoa.
Nho giáo của Trần Trọng Kim cho thấy rất rõ dấu tích ảnh hưởng của phong trào Tân Nho học hiện đại, tứ phong trào hiện đại hóa tư tưởng Nho giáo ở Trung Quốc. Cụ thể, Trần Trọng Kim kế thừa chủ trương lồng ghép tư tưởng “dân chủ” và “khoa học” cho học thuyết Nho giáo. Nội dung cụ thể của công việc này là tập trung luận giải tư tưởng “dân chủ” vốn hàm chứa trong học thuyết Nho giáo, đồng thời so sánh và chỉ ra ưu nhược điểm giữa tư tưởng “dân chủ” Nho giáo với thể chế chính trị dân chủ phương Tây hiện đại. Bên cạnh đó, Trần Trọng Kim cũng trình bày về mầm mống tư tưởng “khoa học” trong học thuyết Nho giáo, và biện luận về mối quan hệ và khả năng kết hợp, dung hoà giữa Nho giáo với khoa học hiện đại phương Tây. Tuy nhiên, điểm khác của ông với các nhà tân Nho học hiện đại Trung Hoa là Trần Trọng Kim dừng ở các phân tích về chữ câu, và thông qua biện luận chữ nghĩa để lắp ghép một cách đơn giản tư tưởng “khoa học” cho Nho giáo. Trong khi học giới Trung Quốc quan tâm đến sự tương đồng ở cơ sở lí luận siêu hình cho những luận giải về tư tưởng “khoa học” trong Nho giáo.
Song hành với phái phê phán là phái ủng hộ Nho giáo. Ngay sau khi xuất hiện bài viết của Phan Khôi trên Thần chung, một tác giả ký tên Hoàng Sơn đã viết 8 bài, cũng cho Thần chung (tháng 01 năm 1930) công kích lại các luận điểm của Phan Khôi. Và gần chục năm sau, năm 1938, và Đào Duy Anh (1904-1988) trong Khổng giáo phê bình tiểu luận do Quan Hải tùng thư (Huế) in cũng nhận xét Phan Khôi chỉ phê nhưng không có giải pháp khắc phục Nho giáo. Đặc biệt trong công trình này, tác giả Vệ Thạch Đào Duy Anh đã vận dụng quan điểm mác-xit để khảo luận lại về Khổng giáo. Tác giả tái hiện lại lịch sử và sự phát triển của học thuyết Nho giáo từ cơ sở kinh tế, xã hội, đặc biệt là tính giai cấp.
Bên cạnh đó, độc giả còn có thể nhận ra tinh thần, tư tưởng Nho giáo được bênh vực hoặc bị phê phán, mà phê phán là chủ yếu, trong nhiều tác phẩm văn chương, đặc biệt là trong sáng tác của Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, và nhóm Tự lực văn đoàn,…
Có thể thấy rằng, sau khi mất đi vị thế của mình trong thiết chế chính trị, vào đầu thế kỷ XX, Nho giáo bị phê phán trên mọi phương diện, bị coi là di hại, là tội đồ của nhiều hiện tượng xã hội tiêu cực.
Đăng tải tháng 2 năm 2021