Lưu chiểu tại Đông Dương thuộc Pháp

Tra cứu tài liệu

Các ấn phẩm và báo chí in tại Đông Dương chiếm một số lượng đặc biệt trong các bộ sưu tập của Thư viện Quốc gia Pháp. Đây là kết quả của quá trình phổ cập chữ viết tiếng Việt bằng chữ cái La-tinh. Sự ra đời của chữ quốc ngữ đã góp phần đẩy mạnh nền xuất bản, thiết lập luật lưu chiểu sau này, vào năm 1922, hoàn thiện hơn nhờ có Paul Boudet (1888-1948).

Máy in và chữ quốc ngữ

Ngay sau khi bình định Nam Kỳ, chính quyền thuộc địa đã cho xuất bản báo chí, tài liệu, các bộ luật, v.v. bằng tiếng Pháp. Có thể nói  việc in ấn báo chí đã đồng hành cùng gươm giáo của cuộc chinh phạt. Ngay từ năm 1862, Công báo về cuộc viễn chinh Nam Kỳ đã được xuất bản tại Sài Gòn. Rất nhiều ấn phẩm được xuất bản bằng tiếng Pháp và phần nào đã được gửi sang Thư viện Quốc gia Pháp vì luật lưu chiểu của Pháp cũng được áp dụng cho các ấn phẩm thuộc địa. Nhưng trên thực tế việc thực thi lại khá bấp bênh. Các ấn phẩm này có cùng quy trình xử lý như những ấn phẩm xuất bản ở Pháp và được nhập vào Danh mục tổng. 

Hoạt động xuất bản phát triển mạnh từ thế kỷ 19, nhờ vào việc sử dụng chữ quốc ngữ và những nét đặc thù của công cuộc khai thác thuộc địa ở Đông Dương. Tất cả mọi người đều sử dụng chữ viết mới : các nhà truyền giáo, giới quản lý hành chính, thế hệ mới của tinh hoa bản địa và ngay cả những người chống chế độ thực dân. Từ năm 1874 đến năm 1921, khoảng một nghìn cuốn sách bằng chữ quốc ngữ được đưa vào Tổng kho của Thư viện.

Các nhà chức trách thuộc địa giữ lại các nhân tố hành chính bản địa để phục vụ cho lợi ích thực dân. Nhưng nhiều nhân tố bản địa cần được đào tạo. Một bộ phận có mối liên hệ chặt chẽ với các quan chức thuộc địa, do đó dẫn đến nhu cầu dạy và học bằng tiếng địa phương cũng như nhu cầu hạn chế hơn đối với các trường tiểu học bằng tiếng Pháp. Số công dân Pháp hạn chế buộc chính quyền thực dân và các doanh nghiệp thuộc địa phải thuê người bản xứ và đào tạo họ.
 

1922 : thiết lập luật lưu chiểu chuyên biệt

Albert Sarraut (1872-1962), người tích cực ủng hộ sự phát triển của chính quyền thuộc địa, đã tạo ra một hệ thống giáo dục Pháp-Việt mới bỏ qua lối giảng dạy truyền thống. Ông cũng tạo ra một thế hệ độc giả mới, tác giả mới và những tinh hoa tương lai của Việt Nam - những người sẽ thúc đẩy sự gia tăng đáng kể của việc xuất bản bằng tiếng Pháp và nhất là bằng tiếng Việt.

Ấn phẩm xuất bản bằng tiếng Việt từ năm 1922 nhiều hơn ấn phẩm xuất bản bằng tiếng Pháp. Nó tăng lên gấp 3 hay 4 lần số đầu sách xuất bản hàng năm từ 1922 đến 1929. Năm 1923, 147 đầu sách được xuất bản bằng tiếng Việt và 103 đầu sách bằng tiếng Pháp. Năm 1929, 643 đầu sách tiếng Việt và 233 đầu sách tiếng Pháp.

Paul Boudet (1888-1948), Giám đốc Lưu trữ và Thư viện Đông Dương, đã tổ chức luật lưu chiểu dành riêng cho Đông Dương, quy định nộp hai bản của tất cả các ấn phẩm, một bản cho Thư viện Hà Nội và một bản cho Thư viện Quốc gia Pháp. Luật lưu chiểu có hiệu lực đối với hầu hết các ấn phẩm.

Các ấn phẩm in bằng tiếng Pháp và tạp chí định kỳ bằng chữ quốc ngữ xuất bản từ năm 1922 đến năm 1954 tiếp tục được nhập vào Tổng kho. Mặc khác, các ấn bản độc lập gồm sách, cuốn, tập nhỏ lẻ bằng tiếng Việt được tập hợp riêng để lập thành Kho Đông Dương.

Không có danh mục riêng cho các ấn phẩm bằng tiếng Pháp xuất bản tại Đông Dương nhưng ta có thể sử dụng Bibliotheca indosinica của Henri Cordier cho giai đoạn từ cuộc chinh phạt năm 1912, và Thư mục Đông Dương thuộc Pháp (Bibliographie de l’Indochine française) của Paul Boudet cho giai đoạn từ 1913 đến 1935.
 

Kho Đông Dương

12 000 ấn phẩm bằng tiếng Việt được đưa đến Thư viện Quốc gia Pháp từ năm 1922 đến năm 1940 và tiếp tục nhập kho với lưu lượng ít hơn từ năm 1940 đến năm 1954.

Do những khó khăn về ngôn ngữ cũng như về hình thức và nội dung nên phải đến cuối những năm 1960 các ấn phẩm Đông Dương mới được biên mục dưới sự quản lý của bà Christiane Rageau. Chúng được tập hợp lại dưới mã sắp xếp duy nhất là INDOCH, kèm theo mã kích thước Fol, 4, 8, 16 và tiếp sau mã  « Pièce »  đối với phân nửa số ấn phẩm ở dạng cuốn tập nhỏ. Chúng được thống kê trong danh mục riêng xuất bản lần thứ nhất vào năm 1979, lần hai vào năm 1988, sau đó được lưu dưới dạng vi phiếu.

Các ấn phẩm rất đa dạng, bao gồm : các bản dịch sách báo phương Tây (văn bản hành chính hoặc tôn giáo, tác phẩm văn học), phổ biến các đóng góp của phương Tây (sách giáo khoa và thực hành, tài liệu về kinh tế, luật pháp, khoa học và kỹ thuật), tác phẩm cổ điển Việt Nam (văn học Việt Nam và Trung Quốc, tài liệu về Nho giáo, Phật giáo hay Đạo giáo,…), sáng tác mới (tiểu thuyết, kịch nghệ, thơ, văn học thiếu nhi, tiểu luận, tài liệu tôn giáo, tác phẩm lịch sử,…).

 
Đăng tải tháng 2 năm 2021
Réduire l'article ^